Tổng công ty Hàng hải Việt Nam muốn tăng vốn, thành lập đội tàu container vận tải tuyến quốc tế, cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Tại Đại hội cổ đông thường niên sáng 20/4, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết năm nay tổng công ty tiếp tục chuyển hướng đầu tư vào đội tàu vận tải container. Để đạt mục tiêu này VIMC sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
VIMC sẽ thành lập Công ty cổ phần Vận tải container có vốn điều lệ 2.041 tỷ đồng, phần vốn góp của tổng công ty khoảng 1.041 tỷ đồng bằng tài sản là phương tiện, thiết bị đội tàu container, hoặc từ tiền thu được từ việc thanh lý tàu.
Doanh nghiệp này dự kiến bán thanh lý 15 tàu với tổng trọng tải 372.293 DWT, trong đó có 12 tàu được chuyển tiếp từ năm trước.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái vận tải biển – cảng biển – logistics để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Vận tải container đóng vai trò kết nối với mạng lưới hạ tầng cảng biển và dịch vụ hàng hải. Khi có đội tàu container, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng lực đội tàu của Việt Nam, tránh tình trạng các hàng tàu nước ngoài tăng giá cước bất hợp lý, ảnh hưởng quyền lợi của chủ hàng.
Hiện nay VIMC có đội tàu container sức chở nhỏ, nên chỉ thực hiện các tuyến vận tải đi các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc gom hàng container cho các hãng tàu nước ngoài nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Năm 2021, thị trường vận tải container quốc tế sôi động với mức cước tăng mạnh, song các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hưởng lợi không đáng kể vì phần lớn hàng xuất nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài thực hiện. Hiện nay, Việt Nam chưa có đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Các doanh nghiệp hàng hải trong nước chỉ có một vài tàu container khai thác hỗn hợp tàu hàng khô, tàu dầu.
Năm qua, khối cảng biển mang về cho VIMC lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất); khối vận tải biển đạt lợi nhuận 869 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần năm 2020); khối dịch vụ hàng hải cũng có lãi hơn 57 tỷ đồng.
VIMC đã đạt doanh thu hợp nhất hơn 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.640 tỷ. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 1.825 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ giá cước vận tải biển tăng mạnh, giúp khối vận tải biển sau nhiều năm thua lỗ kéo dài đã có lợi nhuận. Riêng khối dịch vụ hàng hải, kho bãi lợi nhuận thấp do chịu ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Năm 2022, VIMC dự kiến đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.518 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.